Lãi suất gói 30 nghìn tỷ đồng

Lãi suất gói 30 nghìn tỷ hiện tại là 5%/năm.
Đây là nội dung quan trọng tại Quyết định số 2788/QĐ-NHNN về việc mức lãi suất của ngân hàng thương mại các áp dụng trong năm 2015 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở mà Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 29/2/1014.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ 1/1/2015 và thay thế Quyết định số 21/QĐ-NHNN ngày 2/1/2014 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2014 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở.
Từ các năm sau, lãi suất gói 30000 tỷ này sẽ bằng 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường nhưng không vượt quá 6% mỗi năm.
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (Horea) vừa có kiến nghị giảm thêm lãi suất cho người vay mua nhà trong gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng.
Theo đó, mức lãi suất mà Hiệp hội này kiến nghị là 4% – 4,5%/năm áp dụng cho năm 2015 thay vì 5% như hiện tại. (Cập nhật ngày 01/01/2015).

Lãi suất gói 30 nghìn tỷ 5% vẫn còn cao !

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo kết quả triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản năm 2013 và quý I/2014
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về kết quả giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, tính đến hết ngày 15/4/2014, tổng số tiền 05 Ngân hàng đã cam kết là 3.365,9 tỷ đồng, tổng dư nợ là 1.699,4 tỷ đồng.
Trong đó đối với hộ gia đình, cá nhân các Ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay 3.962 hộ với số tiền là 1.504 tỷ đồng; vay để mua nhà ở xã hội là 2.297 hộ (chiếm tỷ lệ 58% so với tổng số) với số tiền là 711 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 47,2% so với tổng số); vay để mua nhà ở thương mại là 1.665 hộ (chiếm tỷ lệ 42% so với tổng số) với số tiền là 793 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 52,7% so với tổng số ).
Các Ngân hàng đã giải ngân gói 30 nghìn tỷ cho 3.941 hộ (chiếm 99,5%) so với số hộ đã được cam kết, số tiền là 975,7 tỷ đồng (chiếm 65%) so với số tiền đã được cam kết. Riêng tại TP Hà Nội, đã giải ngân cho 2.139 hộ với số tiền là 496,6 tỷ đồng, tại TPHCM đã giải ngân cho 433 hộ với số tiền là 146 tỷ đồng.
Đối với tổ chức, các ngân hàng đã cam kết cho vay 21 dự án với số tiền là 1.862 tỷ đồng, TP Hà Nội có 04 dự án với số tiền 396 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh là 02 dự án với số tiền là 658 tỷ đồng. Đã giải ngân cho 17 dự án, dư nợ là 723,8 tỷ đồng, TP Hà Nôi có 04 dự án với dự nợ là 179,9 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh có 02 dự án với dư nợ là 226 tỷ đồng.
Hiện Bộ Xây dựng đã thẩm tra sơ bộ và chuyển danh mục gồm 81 dự án sang Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại để xem xét, thẩm định cho vay. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có 21 dự án được ký hợp đồng vay vốn, trong đó có 17 dự án đã được giải ngân.

Vẫn còn nhiều khó khăn cho người dân

Đánh giá chung về kết quả thực hiện gói hỗ trợ tín dụng, Bộ Xây dựng cho biết về lãi suất gói 30000 tỷ mặc dù đã được điều chỉnh giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm từ tháng 01/2014, tuy nhiên vẫn còn cao so với thu nhập của người dân, chỉ những người có thu nhập trung bình và ổn định mới có khả năng tiếp cận gói tín dụng này. Thời hạn cho hộ gia đình, cá nhân vay tối thiểu 10 năm là ngắn so với khả năng tích lũy, trả nợ.
Cũng theo Bộ Xây dựng, mặc dù còn có một số chủ đầu tư dự án gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, chưa giấy phép xây dựng, báo cáo tài chính của một số chủ đầu tư không đáp ứng điều kiện để được vay vốn. Tuy nhiên, một số tiêu chí do ngân hàng quy định quá chặt chẽ và thận trọng, do đó khách hàng vay vốn không thể đáp ứng được.
Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương còn chậm trễ trong việc triển khai các thủ tục hành chính, cho phép doanh nghiệp điều chỉnh quy hoạch, chấp thuận đầu tư, quyết định cho phép chuyển đổi dự án, điều chỉnh cơ cấu căn hộ… Do đó, số lượng dự án đầu tư xây dựng mới nhà ở xã hội; dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi sang nhà ở xã hội và dự án được điều chỉnh cơ cấu căn hộ còn thấp so với nhu cầu thực tế.
Bộ Xây dựng cũng cho biết thêm, quy định về thế chấp tài sản hình thành trong tương lai chưa được ban hành kịp thời để tháo gỡ cho khách hàng về thủ tục vay vốn. Tuy nhiên, đến nay Thông tư Liên bộ (Ngân hàng Nhà nước – Xây dựng – Tư pháp – Tài nguyên & Môi trường) đã được soạn thảo xong sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.